Mục lục bài viết
I- Những khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế TNCN
Theo quy định tại Điều 3 Luật thuế TNCN, Điều 3 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP và mục II phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC thì các khoản chịu thuế TNCN bao gồm 10 điều khoản sau:
1. Thu nhập từ kinh doanh:
a, Thu nhập từ hoạt động SXKD hàng hoá, dịch vụ.
b, Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với nhứng ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động; các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả; trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;
c) Tiền thu lao dưới các hình thức;
d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;
e) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;
f) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế; tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Thu nhập từ đầu tư vốn
a, Tiền lãi cho vay;
b, Lợi tức cổ phần;
c, Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.
4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
a, Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;
b, Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;
c, Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.
5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
a, Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
b, Thu nhập từ chuyển quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;
c, Thu nhập từ chuyển quyền thuê đất, thuê mặt nước;
d, Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.
6. Thu nhập từ trúng thưởng
a, Trúng thưởng xổ số;
b, Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;
c, Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino;
d, Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.
7. Thu nhập từ bản quyền
a, Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ;
b, Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.
8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại
9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.
II- Những khoản thu nhập được miễn thuế TNCN
Theo quy định tại Điều 4 Luật thuế TNCN, Điều 4 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP và mục III phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC thì các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN bao gồm 14 khoản sau:
1. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng, giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; giữa mẹ chồng, cha chồng với con dâu; giữa bố vợ, mẹ vợ với con rể; giữa ông nội, bà nội với cháu nội; giữa ông bà ngoại với cháu ngoại; giữa anh chị em ruột với nhau.
2. Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sở dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
3. Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
4. Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; giữa cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; giữa cha, mẹ chồng với con dâu; giữa cha vợ, mẹ vợ với con rể; giữa ông nội, bà nội với cháu nội, giữa ông, bà ngoại với cháu ngoại; giữa anh chị em ruột với nhau.
5. Thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất.
6. Thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
7. Thu nhập từ lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
8. Thu nhập từ kiều hối
9. Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.
10. Thu nhập từ tiền lương hưu do bảo hiểm xã hội trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
11. Thu nhập từ học bổng bao gồm: Học bổng nhận được từ ngân sách nhà nước; Học bổng từ tổ chức trong nước và ngoài nước theo chương trình hỗ trợ khuyến học của tổ chức đó.
12. Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, các khoản bồi thường nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật được miễn thuế thu nhập cá nhân.
13. Thu nhập nhận được từ các quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học không nhằm mục đích thu lợi nhuận.
14. Thu nhập nhận được từ các nguồn viện trợ của nước ngoài vì mục đích từ thiện, nhân đạo dưới hình thức Chính phủ và phi Chính phủ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
III- Đối tượng được giảm thuế và mức giảm
Quy định tại Điều 5 Luật thuế TNCN, Điều 5 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP và mục IV phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC thì:
1. Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.
2. Xác định số thuế được giảm:
- Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm dương lịch. Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm nào thì được xét giảm số thuế phải nộp năm đó.
- Số thuế phải nộp làm căn cứ xét giảm thuế là tổng số thuế thu nhập cá nhân mà đối tượng nộp thuế phải nộp trong năm tính thuế, bao gồm:
+ Thuế thu nhập cá nhân đã nộp hoặc đã khấu trừ đối với các khoản thu nhập chịu thuế tính theo biểu thuế toàn phần quy định tại Điều 23 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
+ Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.
- Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ đi các khoản bồi thường nhận được từ cơ quan bảo hiểm (nếu có), hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có).
- Số thuế giảm được xác định như sau:
+ Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm sẽ bằng mức độ thiệt hại.
+ Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm sẽ bằng số thuế phải nộp.
IV- Để được giảm thuế, đối tượng nộp thuế cần phải hoàn tất các thủ tục sau:
Theo quy định tại mục IV phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 thủ tục, hồ sơ xét giảm thuế như sau:
1. Đối với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn. Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn được xét giảm thuế phải gửi cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý đối tượng nộp thuế, hồ sơ giảm thuế gồm các giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Biên bản xác định mức độ thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản xác nhận thiệt hại của Uỷ ban nhân dân cấp xã nới xảy ra thiên tai, hoả hoạn.
- Chứng từ bồi thường của cơ quan bảo hiểm (nếu có) hoặc thoả thuận bồi thường của người gây hoả hoạn (nếu có).
- Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục thiên tai, hoả hoạn.
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).
2. Đối với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do bị nạn
Đối tượng nộp thuế gặp tai nạn được giảm thuế phải gửi cho cơ quan thuế nơi trực tiếp quản lý đối tượng nộp thuế, hồ sơ giảm thuế gồm các giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Văn bản hoặc biên bản xác nhận tai nạn có xác nhận của cơ quan công an hoặc xác nhận mức độ thương tật của cơ quan y tế.
- Giấy tờ xác định việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm hoặc thoả thuận bồi thường của người gây tai nạn (nếu có).
- Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục tai nạn.
- Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).
3. Đối với đối tượng nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo
- Đối tượng nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo được xét giảm thuế theo hướng dẫn này là người bị mắc bệnh, nếu không điều trị theo chỉ định của cơ quan y tế hoặc bác sĩ sẽ gây ảnh hưởng nguy hại trực tiếp đến tính mạng.
- Người mắc bệnh hiểm nghèo được xét giảm thuế phải gửi cho cơ quan thuế nơi trực tiếp quản lý đối tượng nộp thuế, hồ sơ giảm thuế gồm các giấy tờ sau:
+ Văn bản đề nghị giảm thuế theo mẫu số 18/MGT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.
+ Bản sao hồ sơ bệnh án hoặc sổ khám bệnh.
+ Các chứng từ chứng minh chi phí khám chữa bệnh do cơ quan y tế cấp; hoặc hóa đơn mua thuốc chữa bệnh kèm theo đơn thuốc của bác sĩ.
+ Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (nếu thuộc đối tượng phải quyết toán thuế).
V- Cơ quan thuế cấp nào có quyền quyết đinh giảm thuế?
Quy định tại mục IV phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC thẩm quyền ban hành quyết định giảm thuế là thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý đối tượng nộp thuế.
VI- Đối tượng phải đăng ký thuế TNCN
Theo quy định tại Điều 2, Điều 8 Luật thuế TNCN; Điều 26 Nghị định số 100/2008/NĐ-CP khoản 1 mục I phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC và Điều 21 Luật Quản lý Thuế, đối tượng phải đăng ký nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
1. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập cao
- Các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh kể cả các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, thuộc đối tượng phải đăng ký thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 85/2007/TT-BTC ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế về việc đăng ký thuế.
- Các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp.
- Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
- Các đơn vị sự nghiệp.
- Các tổ chức quốc tế và tổ chức nước ngoài.
- Các Ban quản lý dự án, Văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài.
- Các đơn vị trả thu nhập khác.
Trường hợp cơ quan trả thu nhập có đơn vị trực thuộc, có tư cách pháp nhân, hạch toán riêng thì các đơn vị này cũng phải thực hiện đăng ký thuế.
2. Cá nhân có thu nhập, chịu thuế TNCN
- Cá nhân có thu nhập từ sản xuất, kinh doanh bao gồm cả cá nhân hành nghề độc lập; cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp không thuộc đối tượng miễn thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân có thu nhập từ sản xuất, kinh doanh thực hiện đăng ký thuế thu nhập cá nhân đồng thời với việc đăng ký các loại thuế khác.
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công.
- Các cá nhân có thu nhập chịu thuế khác (nếu phát sinh thường xuyên).
Các đối tượng nêu trên nếu đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế thì không phải đăng ký mới. Mã số thuế đã cấp được tiếp tục sử dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân có nhiều khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì chỉ đăng ký thuế một lần. Mã số thuế được sử dụng chung để khai thuế đối với tất cả các khoản thu nhập.
VII- Hồ sơ đăng ký thuế đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh
Theo quy định tại khoản 2 Mục I, phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC thì: Đối với tổ chức và cá nhân kinh doanh, hồ sơ đăng ký thuế thực hiện theo quy định tại điểm 2 mục I phần II Thông tư số 85/2007/TT-BTC ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế về việc đăng ký thuế.
Trường hợp nhiều người cùng góp vốn, cùng tham gia kinh doanh (nhóm cá nhân kinh doanh) thì người đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký thuế theo hướng dẫn tại Thông tư 85/2007/TT-BTC nêu trên để được cấp mã số thuế cho bản thân. Mã số thuế của người đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh được sử dụng khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài…chung cho cả nhóm và khai thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người đại diện. Mỗi cá nhân góp vốn khác đều phải thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế riêng như đối với cá nhân kinh doanh.
(Theo quy định tại Điểm 2, Mục I, Phần II Thông tư số 85/2007/TT-BTC nói trên thì: Hồ sơ đăng ký thuế đối với người nộp thuế cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 03-Đk-TCT, kèm theo bản kê cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh tại địa bàn quận, huyện, thị xã hoặc tỉnh khác với cơ sở kinh doanh chính (nếu có).
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu có).
- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân.
Riêng trường hợp cá nhân có cửa hàng, cửa hiệu đóng khác địa bàn (tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã) với cơ sở chính, kê khai đăng ký thuế với Chi cục thuế nơi có cửa hàng, cửa hiệu thì hồ sơ đăng ký nộp thuế là: Tờ khai đăng ký nộp thuế theo mẫu số 03.1-ĐK-TCT)
VIII- Hồ sơ đăng ký thuế đối với đơn vị chi trả thu nhập không phải là tổ chức kinh doanh
Theo quy định tại khoản 2 Mục I, Phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC thì:
Đối với đơn vị chi trả thu nhập không phải là tổ chức kinh doanh, hồ sơ đăng ký thuế thực hiện theo quy định tại Điểm 2 (2.10), Mục I, Phần II Thông tư số 85/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính, cụ thể: Hồ sơ đăng ký thuế đối với người nộp thuế; tổ chức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân nhưng đơn vị không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là: Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu 01-ĐK-TCT (chỉ kê khai các chỉ tiêu: 1, 2, 3, 4, 12, 18) ban hành kèm theo Thông tư số 85/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính.
IX- Hồ sơ đăng ký thuế với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn và các cá nhân có thu nhập chịu thuế khác
Theo quy định tại khoản 2, Mục I, Phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC thì:
Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán) và các cá nhân có thu nhập chịu thuế khác, hồ sơ đăng ký thuế gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu số 01/ĐK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT/BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính.
- Bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu.
Theo : TNN
Dịch vụ Uy Tín - Nhanh chóng - Hiệu quả
Đăng ký ngay để được tư vấn miễn phí và nhận những ưu đãi tốt nhất từ Kế toán Nhất Việt
Trụ sở chính: K280/8A Hoàng Diệu, Bình Hiên, Hải Châu, Đà Nẵng
Văn phòng giao dịch: 10 Thuận An 4, Chính Gián, Thanh Khê, Đà Nẵng
Chi nhánh HCM: Số 53/1 đường số 12, KDC Hưng Phú, Khu phố 2, Thủ Đức, Hồ Chí Minh
Email: hotro@dichvuketoan.vnn.vn
Điện thoại: (02363) 608 979 - 0906 454 247
Hotline: 0905 31 55 88
Copyright 2022 © CÔNG TY TNHH TƯ VẤN QUẢN LÝ NHẤT VIỆT
Thành lập và hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 0401495462
do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Thành phố Đà Nẵng cấp ngày 24 tháng 05 năm 2012