Cần thiết phải sửa luậtBộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, đã nhấn mạnh, qua 4 năm thực hiện cùng với quá trình vận hành của nền kinh tế, trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Quản lý thuế hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung Luật nhằm tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế đi đôi với tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý thuế như kê khai thuế điện tử, thủ tục hải quan điện tử. Đồng thời, để tăng cường tính hiệu lực, khả thi và thống nhất với các văn bản liên quan...
Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban (UB) Tài chính- Ngân sách của QH cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế để tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự án Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung 31 Điều (trong tổng số 120 Điều của Luật hiện hành), liên quan đến 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung là: Nhóm vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; về phục vụ mục tiêu cải cách- hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế.
Cụ thể hóa quy định HĐH quản lý thuếTheo UB Tài chính - Ngân sách, việc sửa đổi Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN và người nộp thuế (NNT) trong thực hiện nghĩa vụ thuế, thúc đẩy HĐH hệ thống Thuế, Hải quan. Trong xu thế hội nhập, việc đề ra mục tiêu hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động quản lý thuế là cần thiết.
Chinhphu.vn
Tuy nhiên, UB đề nghị Ban soạn thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của người nộp thuế (NNT) trong áp dụng thuế điện tử; trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan hữu quan để ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thuế khi Nhà nước đã đầu tư nguồn lực.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc đẩy mạnh cải cách HĐH hệ thống Thuế, Hải quan là cần thiết và quan trọng, tuy nhiên cần phải quy định rõ đối với đối tượng NNT.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh việc thực hiện thu thuế điện tử là biện pháp cơ bản nhất hạn chế những tiêu cực và chống thất thu thuế. Do đó, Ban soạn thảo Luật cần tính đến yếu tố này để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu phát triển.
Là cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã giải đáp những ý kiến của UBTVQH. Bộ trưởng cho biết, thực tế Luật Quản lý thuế vẫn đáp ứng tốt yêu cầu, qua 4 năm thực hiện số thất thu thuế giảm đi, số thuế thu nộp ngân sách hàng năm tăng lên. Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC. Nhân dịp này, Bộ Tài chính đã đánh giá và sửa đổi một số vấn đề trong Luật.
Ban soạn thảo đã cân nhắc kỹ đối với một số vấn đề như thái độ, trách nhiệm của NNT, cơ quan thu thuế và HĐH. Tất cả các vấn đề sửa đổi, bổ sung đều đã được bàn thảo kỹ, nhằm quản lý tốt nhất và hạn chế những vi phạm từ phía NNT cũng như cán bộ thuế.
Coi trọng người nộp thuếTheo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần coi trọng người nộp thuế. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, sản xuất kinh doanh bao giờ cũng có rủi ro dẫn đến việc vi phạm trong nộp thuế. Do đó, việc xử phạt những người nộp thuế khi có sai phạm cần tính toán hợp lý. Mức độ phạt phải phân biệt các cấp độ vi phạm khác nhau.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt để khuyến khích người nộp thuế khắc phục hậu quả, điều chỉnh sai sót. Khi người nộp thuế tự nguyện khai bổ sung thì xử lý ở mức thấp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có 31 điều dự kiến sửa đổi.
Trong đó có 3 nhóm vấn đề: sửa đổi bổ sung để đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế (6 nội dung); hiện đại hóa phù hợp với thông lệ quốc tế (4 nội dung); nâng cao năng lực quản lý thuế (11 nội dung).
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về tính lãi chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền chậm nộp. Để cho công bằng, Luật bổ sung cũng quy định tính lãi nộp chậm với cơ quan, tổ chức được ủy nhiệm thu thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mức tính lãi chậm nộp này tương đối thấp và cần nâng lên bởi trước đây lãi suất ngân hàng từ 8 - 11%/năm, lạm phát chỉ từ 4 - 5%/năm thì mức 0,05% là hợp lý. Hiện lãi suất và lạm phát còn cao nên nhiều doanh nghiệp chiếm dụng thuế, do vậy, phải có chế tài xử phạt cương quyết hơn.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói nếu phạt nặng quá thì sẽ quá mức chịu đựng của đối tượng nộp thuế và dễ đẫn đến khả năng nảy sinh tiêu cực.
Ngoài ra, theo ông Phùng Quốc Hiển, cần tăng xử phạt đối với đối tượng kê khai sai, trốn và gian lận thuế bởi hiện nay những vi phạm này diễn ra phổ biến và tinh vi. Cụ thể cần nâng mức xử phạt từ 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn, lên mức 15%.
Tránh gây phiền hà cho doanh nghiệpCũng để quản lý chặt hơn việc kê khai, nộp thuế, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết Dự thảo Luật sửa đổi quy định kiểm tra tại đơn vị nộp nhưng chỉ 1 năm một lần (luật hiện hành chỉ quy định kiểm tra thuế của cá nhân, đơn vị, tổ chức tại cơ quan thuế) chứ không phải thường xuyên để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý rằng sai phạm không chỉ xảy ra ở người nộp thuế mà cả ở cán bộ thu thuế, do vậy, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần tính toán xử phạt trường hợp này.
Về vấn đề này, ông Phùng Quốc Hiển nhận xét hiện cơ bản người làm thuế có trình độ, nghiệp vụ được nâng lên, nhưng có một bộ phận thiếu trách nhiệm, nên Dự thảo Luật sửa đổi cần có quy định về nâng cao trách nhiệm cán bộ thu thuế.
Còn đối với việc nộp thuế điện tử, Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung quy định cho người nộp thuế được ân hạn nhưng gắn với bảo lãnh của ngân hàng. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm của bên thứ ba là ngân hàng.